LẠM DÙNG CHẤT KÍCH THÍCH TỔNG HỢP DỄ BỊ RỐI LOẠN TÂM THẦN
21:49 - 25/09/2019
Các thuốc kích thích trong tâm thần được phát hiện từ tác dụng gây ảo giác của cocaine ( 1884 ), từ đó amphetamine được tổng hợp năm 1887 và khi thay đổi cấu trúc hoá học cho ra nhiều chất kích thích khác.
Y HỌC TỰ NHIÊN
THỰC PHẨM BẢO VỆ SỨC KHỎE TỪ THẢO DƯỢC LÀ GÌ ?
VÉN MÀN BÍ MẬT ĐẰNG SAU THÀNH PHẦN MỸ PHẨM
KHÔNG THỂ LÀM TRẮNG DA TỨC THÌ, NHỮNG CHẤT DƯỠNG TRẮNG NÀO AN TOÀN
Ngày nay một vài loại thuốc kích thích được dùng điều trị chứng giảm khả năng tập trung chú ý – gia tăng hoạt động (ADHD ) và ngủ rũ ( narcolepsy) ở trẻ em, nhưng phải được kiểm soát chặt chẽ.
Ngoài ra có một vài nghiên cứu sử dụng các thuốc kích thích trong một vài trường hợp trầm cảm và OCD nhưng hiệu quả không rõ, nhiều tác dụng phụ, gây lạm dụng và nghiện. Nghiên cứu trên người lạm dụng, nghiện amphetamine, tỷ lệ có các rối loạn tâm thần là 66%.
Những năm gần đây xuất hiện sự gia tăng báo động việc lạm dụng các chất kích thích ở tuổi trẻ trong quán bar, vũ trường nhằm đạt cảm giác hưng phấn, tăng hoạt động trong trạng thái ảo giác.
Các tụ điểm ăn chơi là nơi ưa thích cho việc sử dụng ma túy, chất kích thích.
Do không biết chắc chắn nguồn gốc, thành phần tác động dược học, các hoá chất dùng trong quá trình tổng hợp và khả năng lây nhiễm nên các chất kích thích gây tổn hại trầm trọng đến hệ thần kinh trung ương , đến hoạt động tâm thần, đến sức khoẻ và có thể bị đột tử.
Nếu sử dụng chung với rượu, chúng còn nguy hiểm hơn, và đã có cảnh báo khuynh hướng dùng để trụy lạc, lường gạt cưỡng hiếp, … Các chất kích thích lưu hành bất hợp pháp hiện nay được dân chơi gọi là thuốc “lắc”. Chúng bao gồm các loại sau :
1. Methylenedioxymethamphetamine ( MDMA ) : tên tiếng lóng : Ecstasy, XTC, X, Adam, Clarity, Lover’s Speed.
Công thức hoá học giống amphetamine và chất gây ảo giác mescaline. Khi thay đổi công thức cho ra các tên MDA, MDEA, PMA.
Tác dụng kích thích và thay đổi cảm giác sau uống 3 – 6 giờ, tiếp theo là biểu hiện buồn bã lo âu trầm cảm, rối loạn giấc ngủ.
Làm tim đập nhanh, huyết áp tăng và cảm giác tỉnh nhưng tăng thân nhiệt với từng cơn nóng bừng và do đó có hành vi bức bách thoát khỏi nóng, biểu hiện mê dại với môi trường ( âm thanh , ánh sáng màu ,.. ). Có thể dẫn tới suy gan, suy thận và suy tim ; hậu quả rất nguy hiểm khi dùng nhiều lần trong thời gian ngắn do chuyển hoá tương tác của MDMA. Đồng thời gây mất nước, tác động tới nội tiết điều hòa lượng sodium, giảm natri, rối loạn điện giải.
Nghiên cứu trên súc vật, MDMA làm hư hại tế bào thần kinh phóng thích serotonin. Ở người, dùng MDMA nhiều lần làm tổn hại phần não bộ liên quan quá trình trí nhớ. Trên não chuột mới sinh gây tổn hại vùng hiểu biết và trí nhớ, vùng này tương đương với não bộ thai nhi ở ba tháng cuối thai kỳ.
2. Gamma – hydroxybutyrate ( GHB ) : tên tiếng lóng : Grievous, Bodily Harm, G, Liquid Ecstasy, Georgia Home Boy.
Hình thức : dạng nước trong, bột trắng, viên nén, viên nhộng, dùng với rượu rất nguy hiểm. Thường được lạm dụng để cưỡng hiếp, để đầu độc, v.v… Giới trẻ thích dùng trong hộp đêm, trong cơn say cuồng dại – và trong giới đồng tính luyến ái nam.
Được dùng an thần, để tạo đặc tính khoái cảm hoặc để tăng hiệu quả phóng thích nội tiết tố tăng trưởng. GHB ức chế hệ thần kinh trung ương, gây độc sau 10 – 20 phút uống, kéo dài 4 giờ tuỳ liều lượng. Liều cao gây ngủ, hôn mê, có thể tử vong.
GHB có thể biến đổi trong cơ thể thành GBL và BD, hai sản phẩm này được rao bán trên Internet, quầy thuốc bán lẻ ( có tên hiệu do đó dễ gây hiểu lầm và lạm dụng rất tai hại ).
Thải trừ tương đối nhanh ( khoảng 2 giờ). Tháng 7 / 2002 FDA đã phê duyệt giám sát y khoa việc sử dụng GHB điều trị mất trương lực cơ trong bệnh ngủ rũ.
3. Ketamine : tên tiếng lóng : Special K, K, Vitamin K, Cat Valium
Là chất gây mê dùng đường chích, hít và hút. Được phép sử dụng cho động vật và trên người từ 1970. 90 % Ketamin lưu hành hiện nay dùng trong thú y.
Dùng nhiều lần có phản ứng tương tự như phencyclidine (PCP) gây trạng thái huyền ảo, thay đổi nhận thức, gây ra các ảo giác. Liều ngộ độc gây giảm khả năng chú ý, hiểu biết và trí nhớ. Nặng hơn có thể mê sảng, quên, trầm cảm, giảm vận động, cao huyết áp và bệnh lý hô hấp trầm trọng.
Ketamin dạng nước hay bột trắng dùng ngửi, hút với marijuana (cần sa ) hoặc thuốc lá. Ơ một vài thành phố ( Hoa kỳ ) có dạng chích tĩnh mạch.
4. Rohynol : tên tiếng lóng : Roofies, Rophies, Roche, Forget – me Pill.
Tên gốc flunitrazepam, là thuốc trong nhóm an thần benzodiazepine, tại Hoa kỳ không được phép kê toa, ở một số nước khác được dùng điều trị mất ngủ và dùng trong tiền mê.
Rohypnol không mùi vị, dễ hoà tan trong nước uống có gaz. Tác dụng an thần và ngộ độc nặng thêm khi dùng chung với rượu. 1mg Rohypnol có thể làm mất sức từ 8 – 12 giờ.
Thường dùng dạng uống, có cả dạng ngửi. Gây quên thuận chiều trầm trọng, (không nhớ những gì xảy ra từ thời gian dùng thuốc) . Có nhiều báo cáo thuốc này được sử dụng nhằm cưỡng hiếp phụ nữ.
Tác hại khác bao gồm hạ huyết áp, uể oải, rối loạn thị giác, chóng mặt, lú lẫn, rối loạn tiêu hoá và bí tiểu.
5. Methamphetamine : tên tiếng lóng : Speed, Ice, Chalk, Meth, Crystal, Crank, Fire, Glass.
Là một chất độc gây nghiện kích thích, tác hại trên một số vùng thần kinh trung ương. Chế biến lậu từ các thành phần rẻ tiền, dễ bị pha trộn chất kích thích khác. Có dạng hút, ngửi, chích và uống, màu trắng không mùi vị đắng, bột trong dễ hoà tan trong nước uống. Thường được dùng chung với cocain/crack, marijuana, heroin, rượu, rất nguy hiểm.
Gây độc thần kinh làm biến đổi rõ rệt chất vận chuyển dopamine và các thụ thể ; mất trí nhớ, dễ kích thích gây hấn tấn công người khác, có hành vi loạn tâm thần, kích động lời nói, tăng mức độ hoạt động. Đồng thời gây tổn thương tim, ăn mất ngon.
Góp phần tăng tỷ lệ bệnh lây nhiễm như viêm gan, HIV / AIDS.
6. Lysergic Acid Diethylamide ( LSD ) : tên tiếng lóng : Acid, Boomers, Yellow, Sunshines.
Gây ảo giác dẫn tới nhận thức cảm giác bất thường, không thể đoán trước dùng bao nhiêu sẽ bị nghiện, tuỳ vào môi trường sử dụng, tuỳ nhân cách, khí sắc và toan tính của người dùng.
Có dạng viên nén, viên nhộng và dung dịch, dạng giấy thấm. 30 – 90 phút sau khi dùng sẽ dãn đồng tử, sốt, tăng nhịp tim, huyết áp, vã mồ hôi, không ăn ngủ được, run rẩy, tê cóng, khô miệng và nôn ói.
Tác dụng kéo dài về tâm thần là các triệu chứng loạn thần và rối loạn nhận thức, ảo giác, dân chơi gọi là “flashbacks”.
Chỉ định thuốc kích thích trong điều trị bệnh tâm thần rất hạn chế, chẩn đoán đúng và bác sĩ phải được huấn luyện theo dõi đánh giá hiệu quả, các tác dụng phụ, hậu quả ngộ độc và tương tác thuốc.
Đối với người lạm dụng các chất kích thích, ngoài định lượng nồng độ các chất kích thích trong nước tiểu, trong máu có thể quan sát nhận biết các biểu hiện như sau:
Kích thích, nói nhiều, ăn ít mà tăng hoạt động. Triệu chứng chung: dãn đồng tử, tăng huyết áp, tim đập không đều, hơi thở ngắn, buồn nôn, ói, tiêu chảy và tăng thân nhiệt;
Có khi đột ngột gây hấn, có ý tưởng hoang tưởng, ảo thị, ảo thanh, khó ngủ từng đợt ;
Có khuynh hướng ám ảnh quần áo phải sạch sẽ, chỉnh tề, làm đi làm lại một việc nào đó.
Tóm lại, đừng vì một “nhu cầu” nào đó mà tự sử dụng các thuốc trên để rồi bị lệ thuộc, bị nghiện và nếu lạm dụng để “lắc” thì trước mắt và lâu dài đều nguy hại cho sức khoẻ, đặc biệt là các hoạt động tâm thần, cho đời sống tinh thần và đạo đức con người. Nhưng tại sao giới trẻ lạm dụng là một vấn đề lớn xuất phát từ yếu tố quan tâm chăm sóc trước hết là của gia đình và của xã hội và quan trọng hơn là từ sự nhận thức sai trái về giá trị cuộc sống của lớp trẻ.
TT - Đã có một số bệnh nhân loạn thần, hoang tưởng, trầm cảm nặng do sử dụng thuốc lắc đến Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) điều trị. Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, cho biết:
- Thuốc lắc (ectasy, MDMA) có đặc điểm gây hưng phấn, kích thần, người dùng liều cao có thể bị hoang tưởng, ảo giác và hưng phấn tột độ với ánh sáng và âm thanh mạnh. Đây là lý do khiến chúng ta thường thấy các bạn trẻ lắc điên cuồng không biết mệt, với cường độ âm thanh có thể làm “nổ óc” người bình thường.
Viện chúng tôi đã tiếp nhận điều trị một số bệnh nhân bị các rối loạn thần kinh như thường có ảo giác người đến hại mình, đánh mình, sau các hiện tượng này là trầm cảm kéo dài nhiều tháng... Những bệnh nhân này đều phải điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, an thần kinh.
* Có ý kiến cho rằng thuốc lắc không gây nghiện. Điều này có đúng không?
- Sử dụng thuốc lắc nhiều lần sẽ dẫn đến hiện tượng phụ thuộc về tinh thần. Ví dụ như đến sàn nhảy mà không có thuốc lắc không nhảy được, không thấy vui, lần sau muốn nhảy mạnh hơn thì phải tăng liều. Điều nguy hiểm nhất là sử dụng thuốc lắc lâu dài sẽ bị trầm cảm, loạn thần… Chưa kể các hiện tượng như suy kiệt, không thể làm việc bởi nhảy suốt đêm mất sức, ngày ngủ không ăn uống...
Người dùng thuốc lắc cũng giống như heroin ở điểm khó kiểm soát mình, có hành vi bất thường và thiếu kiềm chế do hưng phấn quá độ. Điều này thể hiện ở việc quan hệ tình dục bừa bãi, có thể không mặc quần áo ngay ở sàn nhảy hoặc chỗ đông người. Trong đợt kiểm tra vũ trường New Century ở Hà Nội vừa qua phát hiện nhiều bao cao su đã qua sử dụng vứt bừa bãi là vì vậy.
* Biểu hiện của người bị ảnh hưởng bởi thuốc lắc như thế nào, thời gian sử dụng thuốc lắc bao lâu thì có hiện tượng loạn thần?
- Biểu hiện của hội chứng thuốc lắc khá giống với tâm thần phân liệt nên rất nhiều người nhầm, cho đó là tâm thần phân liệt. Trong số bệnh nhân đến điều trị có người mới tập dùng thuốc lắc 1-2 lần đã thấy các biểu hiện thần kinh. Nhưng cũng có những bệnh nhân đã uống thuốc lắc nhiều lần. Điều này phụ thuộc độ dung nạp, nhân cách... của mỗi người.
Thông thường các bác sĩ chuyên khoa tâm thần không khó khăn để phát hiện những bệnh nhân thanh niên ( và trung niên trẻ ) đến khám với dáng vẻ rã rượi, ngồi đứng đi tới lui vì ảo giác và suy giảm định hướng không gian, lời nói và ý tưởng không “dính kết” vì suy giảm khả năng nhận thức, dễ gây gổ, v.v… khác với trước đây thì khả năng đang dùng ma túy tổng hợp khá cao. Số bạn trẻ này có thể còn nhiều hơn vì được gia đình đưa tới các trung tâm cai nghiện khác để tránh tiếng bị bệnh tâm thần hoặc mời bác sĩ chăm sóc tại gia.
Theo Ts Russel C. Callaghan ( Trung tâm nghiện và sức khỏe tâm thần Toronto Canada ) trong một nghiên cứu đoàn hệ ( cohort ) thì người sử dụng methamphetamine có xu hướng mắc bệnh tâm thần phân liệt cao gấp 9 lần so với người không sử dụng methamphetamine và cao gấp 1,5 đến 3 lần so với bệnh nhân nghiện nặng cocaine hoặc các chất dạng thuốc phiện ( mà không sử dụng thêm cần sa ). Đây là một chứng cứ quan trọng cho các tranh cãi kéo dài lâu nay của các bác sĩ về methamphetamine có thể gây ra bệnh tâm thần phân liệt.
Kết quả một nghiên cứu khác của Ts Carlos Alverio Trường ĐH Y khoa Boston Massachustts Hoa Kỳ cho biết sử dụng cần sa tổng hợp có thể xuất hiện các triệu chứng loạn tâm thần ( hoang tưởng ảo giác, rối loạn hành vi tác phong, v.v … ) ở những người chưa hề có tiền sử bệnh tâm thần. Cần sa tổng hợp chứa thụ thể đồng vận CP-47497 và JWH-018 có ái lực với thụ thể cannabinoid CB1 và CB2 cao hơn so với ái lực của thụ thể tetrahydrocannabiol ( THC ) có trong cần sa thiên nhiên. Chính khả năng gắn thụ thể cao này dẫn đến hậu quả xấu là xuất hiện các triệu chứng loạn thần, ngay cả khi xét nghiệm nước tiểu hết dương tính với cần sa. Ngoài ra những bệnh nhân này còn có tỷ lệ bị nhồi máu cơ tim cao hơn tỷ lệ trong dân số chung.
Kết quả một nghiên cứu đoàn hệ 10 năm khác tại Công hòa Liên bang Đức trên 1923 thanh thiếu niên hút cần sa cho thấy nguy cơ gia tăng các triệu chứng loạn tâm thần so với nhóm thanh thiếu niên không sử dụng cần sa vào thời điểm 3,5 năm, 8,4 năm và 10 năm. Một nghiên cứu đoàn hệ khác của Ts Brandon Marshall của Trường ĐH Sức khỏe công cộng Mailman Columbia và Trung tâm Nghiên cứu HIV/AIDS British Columbia theo dõi hơn 1800 người chích ma túy phát hiện ra 80 % bệnh nhân chích methamphetamine tăng nguy cơ tự tử trong thời gian 7 năm, nguy cơ cao nhất ở bệnh nhân chích methamphetamine thường xuyên.
Theo các báo cáo của Viện Quốc gia về lạm dụng thuốc ( National Instiute on Drug Abuse = NIDA) Hoa Kỳ ngoài 2 loại ma túy tổng hợp kể trên, hiện nay còn nhiều loại khác được quảng cáo ngoài mục đích y khoa một cách quá đáng và do đó bị lạm dụng và dẫn đến rất nhiều hậu quả xấu. Thực tế bệnh nhân đều cho biết sau khi dùng các chất gây ảo giác ( LSD ) thì nhìn hình ảnh không gian trở nên méo mó, xuất hiện ảo tưởng đầy sức mạnh nhưng sợ hãi, lú lẫn, dễ dàng gây hấn phản kháng và có ý muốn tự tử. Một số chất khác như thuốc “lắc” hay ecstasy gây ngộ độc tế bào thần kinh não và tiếp theo là tổn hại lâu dài ngay cả với liều dùng trung bình. Nhưng vấn đề là sau khi sử dụng ecstasy thường không kiểm soát được hành vi kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe ( mắc thêm các bệnh lý khác) và pháp luật, … Một số chất bay hơi như keo xịt và đặc biệt là các loại nitrites tác dụng trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương gây triệu chứng giống ngộ độc rượu, nói không rõ câu, không điều chỉnh được cử chỉ động tác, ngay sau dùng có thể gây tăng tính dục nhưng sau đó thì suy giảm.
SAMHSA ( Cơ quan quản lý dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ ) đã tiến hành nghiên cứu từ hơn 10 năm nay về các bệnh tâm thần xảy ra ở người nghiện và rất nhiều công trình nghiên cứu của các bác sĩ chuyên khoa tâm thần Hoa Kỳ cho thấy tỷ lệ một số bệnh tâm thần ở người nghiện các loại ma túy cao hơn tỷ lệ này trong dân số chung. Cao nhất là các rối loạn tâm thần với triệu chứng hoang tưởng ảo giác, là rối loạn khí sắc ( với các cơn hung cảm, cơn trầm cảm, tuân thủ điều trị kém và tỷ lệ tự tử vào nhóm cao nhất,…), là các rối loạn lo âu rất khó điều trị và nhiều nguy cơ nghiện kéo dài.
Điều trị nghiện ma túy vào loại khó và phức tạp, bao gồm cắt cơn nghiện (ngưng dùng ma túy ), sau đó điều trị duy trì làm sao cho các tác động sinh học thần kinh độc hại do ma túy gây ra giảm dần ( giảm dần thèm muốn ma túy bằng cả thuốc và các phương pháp tâm lý trị liệu mục đích tạo động lực thay đổi hành vi tìm kiếm ma túy). Đồng thời là tạo điều kiện cho bệnh nhân nghiện thay đổi lối sống, tạo hướng suy nghĩ tích cực bằng công ăn việc làm và các hoạt động giải trí thích hợp.
Hiện tại có nhiều loại thuốc điều trị nghiện ( thuốc đồng vận – agonist như methadone, buprenorphine, LAMM ), thuốc hỗ trợ ( clonidine, một số thuốc chuyên khoa tâm thần) điều trị cắt cơn tác dụng giảm đau đớn và khủng hoảng tinh thần rất hiệu quả. Phương pháp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện ( điển hình là heroin ) bằng duy trì uống methadone tiến hành từng bước kết hợp tâm lý trị liệu được đánh giá là khoa học và phù hợp nhất trong điều trị bệnh nghiện ma túy. Việc sử dụng các thuốc này đòi hỏi nắm vững cơ chế tác dụng và bác sĩ phải được huấn luyện theo dõi đánh giá hiệu quả điều trị chặt chẽ nhằm tránh các hậu quả không mong muốn, nhất là khi bệnh nhân nghiện thường mắc nhiều bệnh lý và đang sử dụng các thuốc điều trị chuyên khoa khác.
Nghiện ma túy đã gây ra bao hậu quả xấu về kinh tế, về quan hệ xã hội, thêm khó khăn cho chăm lo sức khỏe và khi lạm dụng các chất ma túy tổng hợp còn thêm rối loạn tâm thần là một điều nên tránh hoàn toàn. Điều trị nghiện sẽ không thể thành công nếu chỉ điều trị cắt cơn và cắt cơn nghiện chỉ là một bước trong các bước tiến hành của cả quá trình điều trị dài ngày. Đây cũng là kết luận của các bác sĩ chuyên khoa tâm thần trên toàn thế giới sau 40 năm áp dụng các phương pháp điều trị nghiên ma túy.